“…
Ôn lại những ngày mưa gió cũ
Những chiều quán trọ, những đêm say
Người quen nhắc lại từng tên một
Kể lại từng nơi đặt dấu giầy…”
(Nguyễn Bính)
Tôi hồi xưa thỉnh thoảng cũng hay uống rượu, say sưa với những người lạ, những người mà tôi gặp gỡ đâu đó trên đường, người mà trước bữa rượu hôm đó chưa hề quen và mãi đến sau này có thể cũng không bao giờ có dịp gặp lại, cũng nhiều, nhiều lắm. Tôi đã từng kể về duyên kỳ ngộ giữa tôi với họ trong rất nhiều những bài viết của tôi, hôm nay lại nhớ ra, lại kể. Chỉ để nhắc về như một kỷ niệm nho nhỏ, vui vui.
1.
Mới đây vợ chồng tôi đi thăm một cô nhân viên mới sanh em bé, nhà cô trên tầng 4 ở một cái chung cư cũ, ở quận nhứt và cũng sắp bị giải tỏa để xây một cao ốc thương mại. Đó là một buổi chiều mưa Sài Gòn, mưa tầm tã không dứt. Tới chơi được vợ chồng cô nhân viên đãi bia, tôi cũng làm gần chục chai bia nhưng vẫn cáo từ ra về vì phải đi đón con. Lúc lần mò theo cái cầu thang tối xuống tầng trệt để ra về, tôi gặp một bàn nhậu ở chân cầu thang. Một bàn nhậu có guitare và những bản bolero chiều mưa, ở chân cầu thang tối của một cái chung cư cũ giữa trung tâm Sài Gòn.
Một người mời tôi theo kiểu: nè, tứ hải giai huynh đệ, vô đây chú em, ngoài kia mưa gió. Tôi ngồi vào bàn nhậu không quen, hòa giọng mình vào một bản nhạc, và uống với tất cả mọi người trong bàn, theo kiểu uống giao lưu. Họ tự giới thiệu: tụi tui là giang hồ khu này. Chủ xị hôm đó là một anh khá phong độ, và biết chơi. Anh mời tôi uống nhưng không chịu cho uống một ly, mỗi lần phải hai ly. Tôi nhớ câu anh nói, đôi dép còn có đôi, tình nhơn có cặp, mình uống một ly coi chừng lẻ loi lắm. Cô nhân viên tiễn khách ra về cứ tròn xoe mắt nhìn tôi ngồi trong cuộc rượu, không hiểu sao sếp mình lại dễ kết bạn thế. Bạn vợ thì quen rồi, sau này chỉ nhắc chừng là anh ơi, anh đã bốn mươi.
2.
Hồi năm 1996 tôi làm việc ở Cần Thơ, lúc ấy ở Bình Thủy hay có mấy quán bán thịt trâu, món độc là món trâu nhúng mẻ, cũng đưa cay lắm. Lần nọ tôi hẹn anh bạn ra đó nhậu, anh bạn đang bận nên bảo tôi bắt xe lôi đi trước, tôi tới quán kêu món và gọi rượu ngồi đợi sẵn. Đợi mãi chẳng thấy anh kia đâu tôi đâm ra sốt ruột, bỗng từ bên ngoài đường đi vào một anh xe ôm, anh cứ đi vô quán và kêu to: Ở đây ông nào tên Phú. Tôi nói tui nè, có gì không. Anh xe ôm vẫn to giọng: Anh Quân nhắn anh là ảnh kẹt công chuyện lên SG gấp, không có ra đây được, biểu tui ra chở anh dzìa. Tôi nghĩ chắc nhà anh bạn có chuyện nên cũng thông cảm, tôi bảo ông xe ôm, thôi, mồi màng lỡ kêu rồi, ngồi đây anh mình làm vài ly đi.
Chúng tôi ngồi đến tận gần nửa đêm. Một đêm vui. Anh xe ôm, lúc ấy chừng hơn bốn mươi, trước là lính chế độ cũ. Ngày anh mới ra khỏi quân trường về đóng quân ở một tiền đồn gần vùng giáp ranh giải phóng, anh đóng quân được đúng một tháng là đến ngày giải phóng. Tôi nhớ mãi câu chuyện về ngày giải phóng anh kể. Lúc mới ra đồn anh có lội nước dưới kinh để vớt đồ giùm một bà cô đi chợ về bị lật ghe do tàu lớn ngã sóng, được bà cho ít trái cây, quen sơ vậy thôi. Đến đâu đêm 29, bà cô hôm nọ chèo ghe ra đồn nhỏ to biểu anh trốn đi, sắp đánh tới nơi rồi đó. Vậy là anh ra ngoài cởi đồ lính, nằm lên ghe để bà cô chèo đưa vô vườn trốn. Bà cô đó có cô con gái út xinh đẹp, lại rất tình nghĩa. Người mà sau đó hai năm đã trở thành vợ anh và sinh cho anh ba đứa con ngoan, một người vắng mặt đáng yêu trong câu chuyện. Tôi nghe anh nói một câu sau khi đưa chén rượu quá đầu: ai cười tui chịu chớ tui thương dzợ tui lắm.
3.
Một buổi chiều năm cuối 2004, tầm hơn hai giờ, trời mưa bụi nhè nhẹ, sau một tiệc bia với công ty ở Biên Hòa, tôi lang thang ra khu Bửu Long đón xe buýt về Sài Gòn theo đường cầu Hóa An. Lúc liêu xiêu đi qua một bãi cỏ rộng, dưới một tán cây phượng lớn, tôi thấy có một nhóm người đang ngồi uống rượu, phía trước là những chiếc xe máy được xếp ngay ngắn, có một cây đàn ghitare nằm trên cỏ. Lúc đi ngang tôi buột miệng hỏi mọi người rằng uống rượu có đàn mà sao không ai ca hết vậy. Vậy là ngay lập tức tôi bị lôi vào.
Bàn nhậu chỉ là cái áo mưa trải trên cỏ với một ít heo quay, vài trái dưa leo và hai cái tai heo luộc được thái miếng mỏng, họ uống rượu Cù Lao, rượu gạo nhàn nhạt, không dậy mùi, nhưng say rất êm. Tất cả thành viên cuộc nhậu hôm đó đều là xe ôm.
Người lớn tuổi nhất buổi nhậu, là chủ xị hôm đó, tên là anh Bằng, anh rất thích khi thấy tôi làm đúng luật “vào ba ra bảy”. Anh Bằng nói giọng bắc, kiểu giọng bắc năm tư mà tôi rất thích, ấm áp và tình cảm. Sau vài tuần rượu, tôi hỏi anh có biết nhạc sĩ Anh Bằng không? Anh không trả lời, chồm tay lấy cây guitare, thử dây, dạo vài nhịp rồi bắt đầu ca bản “Anh còn nợ em”. Tôi nhớ lúc đó mưa có nặng hạt hơn một chút và gió nhiều hơn một chút, những chiếc lá phượng nho nhỏ bay xuống, đậu lốm đốm vàng trên mái tóc ngả bạc của anh. Tôi nhớ ánh mắt anh lim dim, giọng anh dìu dặt lẫn trong tiếng xe cộ chạy ngoài đường, lẫn trong muôn ngàn thanh âm khác như những thăng trầm của cuộc người. Tôi nhớ cách anh ngửa cổ uống ly rượu theo tua trong rồi chép miệng vào lại câu hát: anh còn nợ em, chim về núi nhạn... đó là người ca bản nhạc đó hay nhất mà tôi từng nghe.
…
Tôi hồi xưa thỉnh thoảng cũng hay uống rượu, say sưa với những người lạ, những người mà tôi gặp gỡ đâu đó trên đường, người mà trước bữa rượu hôm đó chưa hề quen và mãi đến sau này có thể cũng không bao giờ có dịp gặp lại. Tôi từng nói rằng bạn bè như trang sức, và họ, những người đã từng cùng tôi rượu say đâu đó, cũng coi là bạn, dù không phải một món trang sức giá trị nhưng rất quí, như những kỷ vật của cuộc đời. Tôi phải cảm ơn cuộc đời mình may mắn, có những cuộc hội ngộ đáng nhớ như thế.
- Theo Đàm Hà Phú (damhaphu.com)
Ly rượu chuối hột càng thêm đậm đà và phát huy công dụng khi đi cùng mồi ngon, tình bạn giữa đàn ông với nhau cũng vậy. Chuyện người này xong lại đến chuyện người kia, ly Rượu Chuối hột Phú Lễ vơi rồi lại đầy, cứ như vậy tình bạn của đàn ông bền vững qua năm tháng. "Tình bầu bạn" là góc chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn thú vị về thứ tình bạn giản đơn này.