Youtube
Facebook

Tình bầu bạn

Về miền tây uống “gụ”

2016.10.05

Cho những người từng xưng "đế"


Ở miền tây (không viết hoa, bao gồm cả một phần Sài Gòn và kéo dài đến mũi Cà Mau), rượu thường được phát âm là “gụ”, một phần do người miền tây phát âm chữ “r” hơi khó, riết thành quen. Bây giờ nghe nói “uống gụ” thấy thân thương quá, thấy muốn uống liền.

Tôi đã từng đi và uống rượu khắp Việt Nam, nhưng khoái nhất vẫn là được uống “gụ” ở miền tây. Người miền tây phóng khoáng, cái này thì hẳn rồi, nhưng “uống gụ” ở miền tây thì có gì khác? Khác chứ, khác lắm.

Người miền tây uống “gụ” không cầm ly. Thường uống kiểu “xoay tua” (Có lẽ phiên âm của chữ “tour”), hay còn gọi là “xây tua”, “xây chừng”, nghĩa là cả bàn nhậu chỉ uống bằng một ly, người này uống xong lại phải rót đầy, trao cho người khác. Nếu bàn nhậu đông quá thì 1 cái ly sẽ “xoay” không kịp, phải “xoay” bằng 2 hoặc 3 ly, hoặc 1 ly để “xoay tua” còn 1 ly để “giao lưu”. Nếu cái ly quá lớn thì một trạm tính bằng nửa ly (trường hợp này thường xảy ra khi mới vào cuộc, sau khi đã “bắt chớn” thì cũng “lỳ nguyên lam” là “làm nguyên ly”). Trong một số cuộc nhậu, cái ly “xoay tua” thường không được chạm mặt bàn, nghĩa là nó cứ phải xoay từ tay người này sang tay người khác liên tục. Cách uống này nghe có vẻ hơi mất vệ sinh nhưng theo người miền tây, là để cho nó tình nghĩa.

Việc rót rượu vào ly để “xoay tua” thường do một nhân vật gọi là “chủ xị” đảm nhận hoặc chỉ định một người rót thay mình. “Chủ xị” được chọn mặc nhiên nếu trong bàn nhậu có người uống “cứng” nhất, hoặc được bầu một cách dân chủ trước khi buổi nhậu bắt đầu. Các yếu tố để được đề cử làm “chủ xị” là: uống “cứng”, lớn tuổi, có học, không có tiền án quậy phá khi say xỉn, là chủ nhà… “Chủ xị” còn là người có thể cho phép một thành viên được “qua tua”, “giao lưu” hoặc quyết định khi có ai đó bị đề nghị phạt. Trong buổi nhậu, các thành viên tham gia thường rất tôn trọng vị “chủ xị”, nếu có tranh cãi hoặc bất hòa, người “chủ xị” có thể ra phán quyết cuối cùng.

“Gụ” để uống thường là loại rượu gạo, hay còn gọi là “đế”. Đế nghĩa là còn cao hơn Vương. Uống “gụ” ở miền tây tối kỵ chuyện làm đổ rượu hay để “long đền”, nghĩa là uống không cạn. Có câu: “cắt cổ không bằng đổ rượu” hoặc “uống không cạn thì tình không đầy”. Khi ly rượu đến tay mình, nên nâng ly lên ngang mặt tỏ thái độ cảm ơn người “chủ xị”, xưng lên (nghĩa là cho mọi người biết tới trạm tui nè, tui uống đây) rồi ngửa cổ uống cho cạn bằng một ngụm. Uống xong nhớ “khà” một tiếng cho sảng khoái. Chớ nên uống thành 2~3 ngụm hoặc nhăn mặt sau khi uống, làm mất khí thế anh em. Nếu nhắm sức mình không uống nổi, có thể xin “chủ xị” cho “qua tua” hoặc “thiếu trạm”, cũng chẳng mất thể diện gì đâu.

Uống “gụ” có thể có nhiều lý do: nhà có đám, có khách tới chơi, gặp mặt bạn bè, sau mỗi việc đồng áng, nhân bắt được con cá, con rắn, con chim làm mồi hoặc giả chẳng có lý do lý trấu gì ráo trọi, cứ rủ năm ba người quây lại là uống thôi. Nếu lý do đàng hoàng thì “mồi” thường cũng “bắt” hơn, có món này món nọ, còn bằng không thì trái cóc, trái xoài, dĩa đậu phộng cũng làm tới, dân miền tây không câu nệ chuyện ăn uống, miễn có cái gì “đưa cay” là được. Nếu ở nhà quê thì dễ lo vụ mồi, cá dưới nước, rau sau vườn, gà thả, vịt chạy đồng… kêu bà vợ hoặc nhỏ con “xử” ngay. Về sau này, uống “gụ” thường có thêm trá đá đễ “chữa lửa”.

Trước hết, khi rót ly đầu tiên, vị “chủ xị” thường hất ra đất, kêu bằng “mời thổ địa”, ly thứ 2 thì đến vị “chủ xị”, sau đó mới đến lượt bá tánh. Trong khi nhậu nếu mình khoái ai đó, thường xin phép “chủ xị” cho ngưng “tua” để làm một ly “giao lưu”, ly này không tính vô “trạm” của mình. Nếu mời người lớn tuổi “giao lưu”, nên nhường người đó uống trước, đến phiên mình phải nâng ly lên trán rồi mới uống, tỏ ý kính trọng. Nếu trong lúc đã có phần say mà nói hỗn, nói bậy hoặc để “long đền” thì thường bị vị “chủ xị” tuyên phạt, án phạt có thể là một ly nếu nhẹ, hoặc bị đuổi ra ngoài, nếu tội nặng. Người nào nhập tiệc trễ, thường xin phép “chủ xị” tự uống 3 ly. Người nào có việc phải về sớm cũng vậy, nếu ý “chủ xị” không muốn cho về, thì phải uống tới 7 ly mới được cáo từ, cái này gọi là “vào ba ra bảy”. Nếu ly qua “trạm” nào chậm, vị chủ xị sẽ nhắc nhở hoặc tất cả sẽ đồng thanh hát một bài: “ai nâng ly, ai cầm ly, hãy uống đi cho tôi mượn cái ly, vui say đi, dù trời mưa tôi vẫn đưa anh về, tôi vẫn đưa anh về…” nhại lời bài hát “Giã gạo đêm trăng”.

Chuyện trong buổi uống “gụ” thường quanh quẩn chuyện xưa, chuyện đồng áng, mùa màng, hàng xóm…người nhà quê ở miền tây không biết nói chuyện chính trị, kinh tế, khoa học. Tin tức mà chúng ta đọc báo hoặc coi in tờ nét, đồi với dân quê đều là tin đồn, được nói chuyện chung với những tin đồn khác, giả giả hư hư, nghe chơi rồi bỏ. Đặc biệt dù có say đến mấy, người miền tây ít khi to tiếng, quát tháo, cãi vả…trong buổi nhậu không khí lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái. Khoái nhất vẫn là màn văn nghệ cuối buổi “gụ”. Thường thì có vọng cổ, ca tài tử, nhạc bolero…đôi khi chỉ có hò vè, hát lý…rượu đã ngấm say rồi, nghe gì cũng hay, cũng đỉnh. Nhạc cụ thì có đờn cò, đờn kìm, guitare nếu không thì gõ chén, đũa, gì cũng được, miễn là vui. Dĩ nhiên sau này có thêm màn karaoke, nhưng món đó ồn ào lắm, chỉ dành cho bọn trẻ.

Người miền tây trọng tình nghĩa. Sau buổi “gụ” nhất định là “tình thương mến thương”. Thương lắm cái thật thà mà phóng khoáng, cái nhiệt tình nhưng rất đỗi hiền hòa, cái tấm lòng…của người miền tây.

Tôi về miền tây, bao giờ cũng vậy, cũng say từ lúc xuống xe đến khi lên xe, say từ lúc mặt trời lên cho đến tận tàn canh. Nhưng mà tôi khoái lắm, khoái về miền tây uống “gụ”.

 

- Theo Đàm Hà Phú (damhaphu.com)

Ly rượu chuối hột càng thêm đậm đà và phát huy công dụng khi đi cùng mồi ngon, tình bạn giữa đàn ông với nhau cũng vậy. Chuyện người này xong lại đến chuyện người kia, ly Rượu Chuối hột Phú Lễ vơi rồi lại đầy, cứ như vậy tình bạn của đàn ông bền vững qua năm tháng. "Tình bầu bạn" là góc chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn thú vị về thứ tình bạn giản đơn này.