Youtube
Facebook

Góc nam nhân

Cách ngâm các loại rượu chữa bệnh phổ biến trong dân gian

2017.12.02
Cách ngâm các loại rượu chữa bệnh phổ biến trong dân gian

Trong cuộc sống hiện đại, con người ta có lại mong muốn tìm về những thực phẩm, phương thuốc có nguồn gốc tự nhiên. Bởi thiên nhiên luôn mang lại cảm giác tốt lành, an toàn, khỏe khoắn. Nổi bật trong số đó là các dòng rượu ngâm dân gian như rượu chuối hột, rượu ba kích, rượu mơ, rượu bòn bon, rượu hoa cúc tươi... Ngoài việc chọn nguyên liệu ngon sạch, để tạo được hương vị nồng thơm đúng chuẩn cũng như phát huy tốt nhất dược tính của từng loại rượu thì giai đoạn ngâm rượu là quan trọng nhất.

Rượu chuối hột – ngự tửu tiến vua

Dòng rượu xuất phát từ quê hương Nam Bộ và đã từng là sản vật quý dâng lên vua. Trái chuối hột đem ngâm rượu có hiệu quả chữa trị các bệnh như đau lưng nhức mỏi, đau dạ dày, sỏi thận, yếu sinh lý... Cách ngâm rượu chuối hột đã được chúng tôi giới thiệu ở bài viết trước.

Rượu ba kích – đặc sản núi rừng

Ba kích hay dây ruột gà là loại cây thân thảo thuộc họ cà phê, leo bằng tua quấn, dài hàng mét ở vùng rừng núi phía Bắc. Rễ củ được đem ngâm rượu, tác dụng bổ thận, tráng dương, trị xuất tinh sớm, đau lưng mỏi gối. Ngâm rượu ba kích khá kì công và nếu không khéo sẽ làm giảm chất lượng, thậm chí phản tác dụng:

  • Ngâm củ tươi sẽ cho rượu ngon nhất. Lưu ý là nếu muốn bồi bổ sinh lý thì phải sao ba kích với rượu hoặc muối.
  • 1 kg ba kích tươi với 5 lít rượu nếp trắng đã được để vài tháng từ 40 độ trở lên.
  • Rửa sạch củ ba kích bằng máy xịt cao áp rồi tráng qua rượu, để ráo. Nếu là củ trồng dùng tay hoặc dao bóc lấy thịt bỏ lõi (lõi gây liệt dương). Còn củ lấy từ rừng thì cho lên thớt đập dập để bỏ lõi.
  • Đặt ba kích và đổ rượu vào chum sành ngâm rượu hay bình thủy tinh. Sau ít nhất 6 tháng mới cho ra rượu ngon. Muốn đạt hiệu quả hơn thì đem hạ thổ rượu.
  • Thành phẩm đạt chuẩn có sắc tím đẹp, không bị vẩn đục. Rượu ba kích chất lượng là uống xong không gây nhức đầu.

Vị chua ngọt dễ tiêu của rượu mơ

Theo kinh nghiệm xưa, rượu mơ tốt cho đường ruột, hệ thần kinh, làm giảm chứng lo âu và căng thẳng, trị bệnh mất ngủ, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giảm mệt mỏi, suy nhược, tăng thị lực, chữa biếng ăn... Các bước để ngâm rượu mơ:

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 1kg mơ tươi ngon, 500g đường phèn, 1.5l rượu ngon (nên dùng rượu nếp từ 35 – 38 độ).
  • Rửa sạch quả mơ đã bỏ cuống. Ngâm mơ trong nước lạnh khoảng 2 tiếng nhằm bỏ bớt nhựa chát của quả. Mơ còn xanh phải ngâm lâu hơn.
  • Lấy bình thủy tinh hoặc sứ sạch để đựng mơ. Để loại bỏ nguy cơ nấm mốc nên tráng qua bằng chút rượu trắng.
  • Sau khi rửa sạch, để ráo, lau khô từng quả mơ thì đem xếp vào bình. Mơ và đường phèn từng lớp xen kẽ nhau và trên cùng là lớp đường phèn.
  • Đổ rượu vào bình và đậy nắp kín lại. Đặt bình rượu mơ ở nơi khô ráo, thoáng mát.
  • Sau 6 – 8 tháng có thể mang ra dùng. Sau 1 năm rượu mới bắt đầu cho vị ngon nhất.
  • Nếu muốn dùng sớm hơn thì lấy tăm nhọn chọc thủng vài lỗ trên quả mơ trước khi cho vào bình để đường và rượu nhanh ngấm hơn (có thể dùng sau 3 tháng).
  • Mơ ngâm rượu cho vị giống rượu vang, thơm mùi quả chua ngọt. Khi uống có thể cho thêm ít đá lạnh để tăng độ ngon.

Vị chua ngọt dễ tiêu của rượu mơ

Rượu bòn bon với vị thanh mát

Bòn bon (dâu da đất) là loại trái cây mọng nước, vị chua thanh ngọt mát và được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam. Không chỉ thơm ngon, bòn bon còn kích thích tiêu hóa, giúp tăng hồng cầu trong máu, hệ tim mạch khỏe hơn, phòng ngừa ung thư ... nhờ chứa nhiều dưỡng chất như vitamin, khoáng chất, protein, chất xơ. Tuy nhiên, do lượng đường tự nhiên cao trong bòn bon nên không thích hợp với người bị tiểu đường.

Ngoài cách ăn tươi thì người dân miệt vườn còn lấy bòn bon đem ngâm rượu với công thức:

  • 1 kg quả chín cho 4 – 5 lít rượu trắng 40 độ.
  • Lựa quả không dập nát, sâu, cỡ vừa phải (quả to bị chua, hột to), màu vàng nhạt. Bỏ núm, cuống, bóc sạch vỏ của trái bòn bon chỉ lấy phần múi bên trong, nhớ nhẹ để không làm nát thịt quả.
  • Cho thịt quả bòn bon vào bình thủy tinh rồi đổ rượu vào. Đậy kín nắp bình và đặt ở nơi khô thoáng, dưới 25 độ C, tránh ánh nắng trực tiếp. Hơn 6 tháng là có thể lấy ra dùng.

Ngọt mềm môi cùng rượu hoa cúc

Hoàng hoa tửu hay rượu hoa cúc ít được biết đến. Từ những bông cúc vàng nhỏ, đẹp và thơm dịu tạo nên hương vị rượu thanh tao. Cảm giác hương hoa thoảng nhẹ, vị ngọt êm đi qua đầu lưỡi và lan xuống vòm miệng mà không nhiều người được nếm qua.

Rượu hoa cúc

Rượu hoa cúc có công hiệu trong chữa nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, cao huyết áp, đau mắt đỏ, chảy nước mắt, mụn nhọt, sưng viêm, chống tiểu đường ... Những loại rượu khác thông thường sẽ hại gan, chỉ riêng rượu hoa cúc lại mát gan. Hoa cúc được ngâm rượu cùng với một số vị thuốc như cách sau:

  • Chuẩn bị 20g hoa cúc vàng, 250g kỷ tử, 50g mạch môn, 3 lít rượu nếp ngon nguyên chất, bình thủy tinh.
  • Cho tất cả các nguyên liệu vào bình ngâm với rượu nếp rồi đậy nắp kín lại.
  • Mỗi ngày lắc nhẹ bình 1 lần cho các vị thuốc thấm rượu.
  • Sau 10 ngày có thể dùng được.
  • Theo cách truyền thống, bình rượu được chôn dưới đất, càng lâu năm thì men rượu càng đằm, hương càng thơm.
  • Không nên ngâm rượu quá nặng, vừa nhanh say lại mất cơ hội thưởng thức mùi hương hoa cúc.

Trên đây là các bài rượu thuốc được sử dụng trong dân gian từ xa xưa giúp cải thiện một số bệnh tật, tăng cường sức khỏe. Hãy luôn ghi nhớ là không được dùng quá liều dù là rượu ba kích, rượu mơ, chuối hột ... vì có thể gây nghiện và phản tác dụng. Chúc các bạn thưởng thức được rượu ngon tròn vị.